Với mong muốn góp phần cùng xã hội đẩy lùi dịch COVID-19; nhóm nghiên cứu ở Trà Vinh đã chế tạo ra một robot, vừa có thể vận chuyển đồ đạc, vừa có khả năng phun khử khuẩn; hạn chế tối đa nguy cơ lây bệnh vì tiếp xúc...
Nhóm sáng chế gồm 5 thành viên do anh Tống Việt Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ số ASC (phường 6, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) làm trưởng nhóm.
Robot này được đặt tên là "ASC BOT" có hình dáng giống một kệ chứa vật dụng, chiều cao khoảng 150cm, chiều rộng 80x120cm, trọng lượng chung là 40kg.
"ASC BOT" có thể chuyển tải các vật dụng có trọng lượng khoảng 30kg và 20 lít dung dịch khử khuẩn. Cơ chế hoạt động được thiết kế thông qua kết nối wifi, truyền tín hiệu hình ảnh trực tiếp đến phòng điều hành.
Dựa vào hình ảnh này, nhân viên sẽ điều khiển "ASC BOT" di chuyển và thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thức ăn, dược phẩm, hoặc phun khử trùng những khu vực cần thiết, với vận tốc di chuyển cao nhất đạt 10km/h. Thời gian hoạt động liên tục trong 8 giờ.
Anh Tống Việt Cường cho biết, mục tiêu ban đầu của nhóm khi chế tạo robot này là nhằm để sử dụng tại các khu vực cách ly bệnh nhân COVID-19, đồng thời sẽ tiếp tục tái sử dụng trong những khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm, có nguy cơ cao sau này, tức là khi đại dịch COVID-19 kết thúc.
Việc vận hành "ASC BOT" tương đối dễ dàng. Sau khi thiết lập hệ thống hoàn chỉnh, chỉ cần 1 nhân viên tại phòng điều hành sẽ điều khiển "ASC BOT" thực hiện thành công nhiệm vụ thay người.
Sáng chế này góp phần giảm thiểu rủi ro do lây nhiễm và giúp tiết kiệm dụng cụ bảo hộ cho nhân viên y tế, đồng thời, "ASC BOT" cũng thực hiện được nhiệm vụ phun thuốc khử khuẩn tại các khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, nên mang lại hiệu quả rất thiết thực.
Mới đây, lãnh đạo ngành y tế tỉnh Trà Vinh đã giám sát buổi vận hành thử nghiệm của "ASC BOT". Bước đầu, sáng chế này được đánh giá mang lại hiệu quả rất cao. Các đại biểu cũng đã đưa ra một số ý kiến đóng góp cho nhóm tác giả, như: Cần cải thiện tiếng ồn, màu sơn, và thay đổi một số chất liệu trên robot... nhằm thích hợp với những điều kiện thực tế của ngành y.
"Sau khi tiếp thu những ý kiến trên, nhóm sẽ điều chỉnh để "ASC BOT" được hoàn thiện hơn. Sau đó, chúng tôi sẽ trao tặng sản phẩm đầu tiên cho bệnh viện dã chiến số 1 Trà Vinh để vận hành, với mong muốn góp phần đẩy lùi dịch COVID-19", anh Cường chia sẻ./.